Âm nhạc : Giai điệu và ca từ

(Ở chỗ mình đang mưa… Viết lảm nhảm một chút.)


 

Mình được tiếp xúc với âm nhạc từ hồi nhỏ (học piano từ lúc năm tuổi) nên âm nhạc đến với mình tự nhiên như hơi thở. Sau này mới nhận ra rằng chính việc được học nhạc một cách bài bản đã tạo cho mình một “thói quen” (dùng từ này có lẽ không chính xác lắm), là khi nghe nhạc mình rất tập trung. Có những bản nhạc mình nghe đi nghe lại cả ngàn lần, rồi còn liên tục suy ngẫm, mình cũng chả biết để làm gì nữa :v có lẽ là do thói quen.

Mình không thích nhạc cổ điển cho lắm. Lý do mình không thích là vì nhạc cổ điển đem lại cho mình nhiều cảm xúc rất kì cục mà mình không hiểu. Giống như là nhiều loại cảm xúc khó gọi tên cùng ùa về một lúc ấy – và mình thấy việc đó thật khó chịu 😥 Lớn một tí mình biết nghe nhạc hiện đại thì bắt đầu ngộ ra rằng đó chính là hiệu ứng của GIAI ĐIỆU, chúng có thể đem đến cho người ta cảm xúc mà không cần có ca từ, hoặc ta vẫn có thể nắm bắt được cảm xúc  của bài dù ca từ bằng một ngôn ngữ nào đó mình chưa hề biết đến. Giai điệu có tác động rất mạnh mẽ đến người nghe về mặt cảm xúc. Đó chính là cái tài của người sáng  tác.

Ví dụ như vầy cho dễ hiểu đi. Một trong những bài hát có giai điệu mình rất thích chính là bài Why did I fall in love with you (DBSK). Mình không hiểu lấy một chữ tiếng Nhật bẻ đôi, nhưng nghe bài này mình thấy rất là buồn. Ngay từ lúc những tiếng đàn hạc (?) vang lên mình đã thấy xúc động mạnh. Đến khi đọc vietsub mình mới biết bài này nó buồn thật.

Thật sự thì vốn từ mình có hạn, còn cảm xúc được cô đọng trong từng nốt nhạc thì rất khó diễn đạt thành lời, nên các bạn hãy thử một lần thật thư thả đầu óc để chuyên tâm lắng nghe thật kĩ giai điệu của một bản nhạc xem, mình tin chắc các bạn sẽ hiểu những gì mình muốn nói 😉

Mình học piano nên mình cực kì mê tiếng piano (dĩ nhiên rồi :v). Có một số bài piano là nhạc cụ chính, và dùng hợp âm vòng hoặc lặp đi lặp lại phần đệm (riêng cái này chả biết gọi tên là gì, cũng chả biết miêu tả sao luôn). Mình đặc biệt thích những bài đó. Bản thân cảm thấy những bài như vậy đệm cho người khác hát thì rất đơn giản, còn để tự đệm tự hát thì lại là một vấn đề khá nan giải 😦 Một vài ví dụ rất điển hình : Lies (Big Bang), Why did I fall in love with you (DBSK), Littlest things (Lily Allen), Imagine (John Lennon),…

Sẵn tiện giới thiệu luôn một artist trẻ tuổi chơi piano siêu đỉnh + sáng tác siêu hay mà gần đây mình rất mê : V.K克. Nghe thử nhạc của anh ấy đi, bạn sẽ không hối hận đâu.

Mình có biết về âm nhạc nên khi nghe nhạc mình cực kì chú ý phần giai điệu và cách hòa âm phối khí. Có những bài hòa âm cực kì hay, mình thường nghe kĩ để học hỏi cách hòa âm của người ta. Nhưng việc mình quan tâm về giai điệu và hòa âm mà mình xem nhẹ phần ca từ.

Nhiều bài có phần hòa âm rất tốt nhưng ca từ thì rỗng tuếch chẳng có chút ý nghĩa nào, những bài như thế mình không thích. Một ca khúc giống như một quyển sách vậy. Trong đó, phần hòa âm + giai điệu là bìa sách, còn câu chữ là nội dung. Không phải bài nào cũng đáp ứng được cả hai – bìa đẹp + nội dung hay, nhưng dù giai điệu rất hay đi chăng nữa mà ca từ thì nhảm nhí thì mình chắc chắn không bao giờ nghe tới lần thứ hai. (Điển hình là mấy bài nổi nổi của Tiên Tiên, nổi thì nổi nhưng mình thật sự nuốt hổng nổi…)

Mình mê Avril Lavigne từ lâu rồi. Trước đây nghe bài Don’t tell me của chị mình bối rối không hiểu ý muốn nói gì. Vài năm sau nghe lại mình mới nắm bắt hết nội dung, lúc đó thật sự rất ngưỡng mộ vì chị đã dồn nhiều cảm xúc vào ca khúc đến vậy, và cũng chuyển tải rất chuẩn những cảm xúc ẩn sâu trong đó.


Một trong những nghệ sĩ rất chú tâm phần lời bài hát mà mình cực thích đó là Owl City. Phần lời rất mượt mà, chứng tỏ được chăm chút rất kĩ. Những bài của Owl City thường nội dung hay bóng gió nhiều điều, nhiều ẩn ý. Có những bài ẩn dữ quá, mình có nghĩ hoài cũng chẳng thể hiểu hết nội dung =.= Điển hình là Fireflies – ca khúc làm nên tên tuổi của anh. (Hoặc cũng có thể do mình suy nghĩ quá sâu xa…)

 

Owl City có hai ca khúc tạo cảm giác kì cục khi nghe, khiến mình nghiên cứu khá kĩ phần lời (sau khi thấy phần giai điệu chả có gì đặc biệt lắm). Và mình khá là ngạc nhiên khi phát hiện ra bí mật của Adam khi sáng tác chúng. Đó là Plant life Lonely lullaby. Xin được phép trích ra luôn:

“The Silverware swam with the sharks in the sink” – Plant life

.

Symphony of Silver tears, sing to me and sooth the ring in my ears” – Lonely lullaby

Phép lặp âm “xờ” hay “zờ” (x, s, sh, ch, j, z) trong tiếng Anh có tác dụng làm người nghe im lặng, như nghe thấy ai nói ‘suỵt’ vậy, vì những âm này khi phát âm tạo tiếng ồn mạnh hơn. Phép tu từ này được gọi là sibilance. Ở cả hai bài, phép này đều được dùng ở phần đầu hàm ý nhắn người nghe hãy chú ý lắng nghe.

Ngạc nhiên chưa ? 😛


“(…) âm nhạc chính là bà mẹ vĩnh cửu.” (Nguyễn Ngọc Thuần | “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”). Âm nhạc thật sự rất tuyệt vời. Hãy thử để tâm một chút, bạn sẽ hiểu ra sự tuyệt diệu của nó.

.

.

.

.

(Ở chỗ mình đang mưa… Viết lảm nhảm một chút. Cảm ơn những ai đã đọc đến tận đây. Xin lỗi vì bài viết rất lảm nhảm, lê thê và lủng củng.)

 

Leave a comment